Monica Humphries có những trải nghiệm bất ngờ trong hai tuần du lịch Nhật Bản, và đặc biệt ấn tượng với toilet hiện đại.
Trước khi đến Nhật Bản, một chiếc bồn cầu ấm sẽ khiến toàn thân nữ du khách Mỹ Monica Humphries phải co rúm lại. Bởi trong thâm tâm cô, đó là dấu hiệu rõ ràng chỉ ra có người đã sử dụng bồn cầu cách đây không lâu. Tuy nhiên, ở xứ sở hoa anh đào, một chiếc bồn cầu ấm áp ở là tiêu chuẩn của nhà vệ sinh có công nghệ hiện đại.
Cô bày tỏ: “Sau khi đến Tokyo, một trong những thứ tôi tìm kiếm đầu tiên trên Google không phải là nhà hàng omakase ngon nhất hay giá vé đi tàu thuỷ của thành phố là bao nhiêu. Tôi đang tìm kiếm giá một chiếc bồn cầu thông minh cho nhà vệ sinh của mình ở nhà.
Từ những khách sạn sang trọng cho đến những nhà hàng bình dân, tôi thấy khắp nơi đều có bồn cầu thông minh. Là một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chuyến đi đến Nhật Bản trong hai tuần của tôi là một trong những lần đầu tiên tôi sử dụng toilet hiện đại như vậy”.
Hầu hết các loại bồn cầu mà cô sử dụng đều do công ty của Nhật Bản sản xuất. Ở một bên của bồn cầu sẽ có một bảng điện tử tích hợp các tính năng như lựa chọn sấy khô, khử mùi, sưởi ấm, hệ thống xả chân không, tự động mở…
“Đó là những lựa chọn cơ bản. Những nhà vệ sinh sang trọng hơn mà tôi thấy còn có máy tạo tiếng ồn trắng, có thể khử mùi không khí, tự làm sạch và có đèn ngủ. Sự phổ biến của những nhà vệ sinh này chính là bằng chứng của một xã hội coi trọng vệ sinh”, Monica Humphries thẳng thắn.
Ngoài ra, cô còn rất thích cảm giác bước vào nhà tắm công cộng ở Nhật Bản. Trong khi đó, ở Mỹ, nữ du khách tránh dùng phòng tắm công cộng bằng mọi giá. Cô nhớ lại khoảng thời gian sống ở New York, phòng tắm công cộng ở một số ga tàu điện ngầm và công viên khá bừa bộn. Thậm chí, không gian này ở nhiều quán bar và nhà hàng đầy rác thải trên sàn, hình vẽ bậy trên tường và mùi hôi thối.
Ở Nhật Bản, Monica Humphries không hề đắn đo khi bước vào phòng tắm công cộng. Các ga tàu điện ngầm luôn có phòng tắm sạch sẽ và khô ráo.
Còn phòng tắm trong các căn hộ cho thuê ở Tokyo thường có ít nhất hai buồng: buồng đầu tiên có chậu rửa mặt và là nơi thay quần áo trước khi tắm, còn buồng thứ hai có vòi sen và bồn tắm. Nhà vệ sinh được đặt ở phòng đầu tiên hoặc trong một phòng hoàn toàn riêng biệt. Mục đích là tạo ra bầu không khí tương tự như các nhà tắm truyền thống của Nhật Bản.
Trong chuyến du lịch hai tuần của mình, cô đã nghỉ lại ở hai căn nhà ở hai thành phố khác nhau Tokyo và Kyoto có phòng tắm kiểu này. Sau đó, cô phát hiện ra, dù diện tích căn nhà có nhỏ đến mấy, các kiến trúc sư vẫn dành một sự ưu tiên nhất định cho phòng tắm và sự nghỉ ngơi tiện nghi nhờ công nghệ.
“Trở về quê hương, tôi không còn được trải nghiệm điều thú vị đó nữa. Tôi không có phòng tắm hơi để bước vào sau khi tắm và phải liên tục chuyển đổi giữa vòi nước nóng và lạnh. Tâm trí tôi có thể đã quên đi mì ramen hay hệ thống giao thông công cộng hiện đại của Nhật Bản nhưng thú thật, tôi vẫn nghĩ về phòng tắm của đất nước này nhiều tháng sau đó”, nữ du khách Mỹ tiếc nuối.